MarinaTex sẽ thay thế giấy gói nhựa dùng một lần, và khi tìm được đường ra biển cả, nó sẽ lại trở thành thức ăn cho sinh vật.
Thứ giấy gói này trông chẳng khác túi bóng bọc hàng hóa, thực phẩm bạn thường thấy, nhưng cấu tạo của nó mới đáng chú ý: các nhà khoa học làm nó từ tảo và phế phẩm từ việc đánh bắt cá. Không giống với thứ nhựa đang thay đổi thế giới này (theo chiều hướng xấu), khi nó tìm được đường vào nguồn nước, nó sẽ lại trở thành thức ăn cho sinh vật.
Vật liệu đặc biệt này có tên là MarinaTex, và nhờ những đặc tính thân thiện với môi trường, nó đã nhận về giải cao nhất của Giải thưởng James Dyson, giải quốc tế thách thức học sinh toàn cầu “thiết kế nên thứ gì đó có thể giải quyết được một vấn đề”. Giải thưởng James Dyson thường niên được hậu thuẫn bởi Quỹ James Dyson, tổ chức khuyến khích người trẻ quan tâm tới thiết kế và kỹ thuật.
Cá nhân giành giải năm nay là em Lucy Hughes, 24 tuổi, tốt nghiệp khoa thiết kế sản phẩm của Đại học Sussex. Em đã vượt qua 1.078 thí sinh tới từ 28 quốc gia khác nhau để trở thành cá nhân xuất hiện khắp các mặt báo. Theo lời phát ngôn viên của nhà thiết kế James Dyson, người thành lập nên quỹ: “Một cách tao nhã, MarinaTex giải quyết được cả hai vấn đề: vấn nạn rác nhựa dùng một lần có ở khắp nơi và chất thải từ hoạt động đánh cá”.
MarinaTex trong suốt, dẻo dai, có khả năng thay thế các loại giấy bọc dùng một lần vốn được làm từ nhựa. Chỉ mất từ 4 tới 6 tuần để MarinaTex phân hủy.
Hai thiết kế khác suýt giành mất giải nhất của MarinaTex cũng rất đáng nói:
- Anna Bernbaum tới từ Trường Kỹ nghệ Dyson thuộc Đại học Hoàng gia Anh, với Afflo – thiết bị wearable kèm công nghệ AI, có thể phát hiện triệu chứng hen suyễn và cảnh báo thời điểm cơn hen xuất hiện. Theo thời gian, Afflo sẽ thu thập dữ liệu của người bệnh để bác sĩ vạch ra pháp đồ điều trị hiệu quả hơn.
- Ryan Tilley tới từ Đại học RMIT với sản phẩm Gecko Traxx, một loại xe lăn đặc biệt không bị chìm trong cát, giúp người tàn tật có thể tự mình trải nghiệm cảm giác dạo chơi trên bờ biển.
genk.vn